Sau đợt nguyentramy.com bị virus gặm sạch sẽ, khiến mình phải bắt đầu lại từ con số 0, mình ý thức được rằng: bảo mật và sao lưu là hai vấn đề then chốt đối với bất kỳ một website nào. Thế nên là sau 7749 ngày tìm hiểu => cài thử => dùng thử một loạt các plugin sao lưu cho Wordpress, cuối cùng mình cũng tìm được một thằng khá ưng ý: UpdraftPlus. Hì hục cấu hình + thêm một loạt các cloud storage vào để đề phòng bất trắc + backup một bản hoàn chỉnh và xịn xò. Và thế là mình quẳng luôn vụ sao lưu sang một bên, không hề mảy may suy nghĩ gì đến nó nữa.
Cho tới hôm qua, vô tình sờ đến OneDrive, mình phát hiện ra bên trong nó có gần 50 bản backup. Trong khi rõ ràng mình đã chỉnh chọt để từng con cloud storage chỉ lưu tối đa là 10 bản thôi. Mò đi kiểm tra Google Drive và Dropbox, thì hai thằng này khá hơn một tí, với khoảng 30 bản bên trong. Hóa ra là UpdraftPlus nó có xung đột với LiteSpeed, và cũng kha khá người dính lỗi này chứ chả phải mình mình. Server mình đang chạy đúng là LiteSpeed thật, plugin tối ưu tốc độ mình đang dùng cũng là LiteSpeed Cache luôn. Như này thì dự là phải “tạm biệt tình yêu của tôi” rồi 😩
Thực ra mới đầu mình cũng cố chấp, cũng ngồi cố gắng debug, rồi nghiên cứu xem có cách nào khả thi không, vì mình khá là ưng thằng UpdraftPlus này. Sau mệt quá, đến tầm 1 rưỡi đêm là mình khá oải rồi, nên quyết định bỏ cuộc, tìm thằng plugin sao lưu khác cho lành. Lựa một hồi thì tìm được Duplicator, thấy dân tình oánh giá khá cao => OK cài thôi. Cơ mà cài xong mới thấy nhiều điểm bất cập. Và còn mấu chốt ở chỗ: mình không thêm được OneDrive dù đã thử đi thử lại cả chục lần => nên là thôi, chúng ta cũng không thuộc về nhau rồi 😤
Sao lưu tự động không được thì ta làm theo cách thủ công vậy, đó là: tận dụng DirectAdmin. Thằng này thì thao tác đơn giản hơn cả đan rổ luôn. Bạn nào mà không biết thì làm theo mình là được.
1. Sao lưu (Backup)
Bước 1. Đăng nhập vào DirectAdmin > Create/Restore Backups
Bước 2. Chọn những mục cần sao lưu => Create Backup
Vì mình dùng email G-Suite, không có subdomain, FTP chả đụng đến mấy nên mình chỉ tick 1 dòng đầu tiên và 2 dòng cuối cùng thôi
Bước 3. Đợi một lúc để quá trình sao lưu hoàn tất. Có thể kiểm tra bằng cách nhấn vào “Message System” ở góc trên bên phải màn hình
Bước 4. Nếu thấy thông báo “Your backups are now ready” tức là đã sao lưu thành công
Bước 5. Nhấn vào Files > backups để tải bản sao lưu về máy, hoặc tải lên Google Drive, OneDrive… (nếu cần)
2. Khôi phục (Restore)
Bước 1. Đăng nhập vào DirectAdmin > Create/Restore Backups
Bước 2. Chọn đúng bản cần khôi phục > Nhấn Select Restore Options
Bước 3. Để mặc định, hoặc chọn những mục cần khôi phục > Nhấn Restore Selected Items
Bước 4. Đợi một lúc để quá trình khôi phục hoàn tất. Có thể kiểm tra bằng cách nhấn vào “Message System” ở góc trên bên phải màn hình
Bước 5. Nếu thấy thông báo “Your User files have been restored” tức là đã phục hồi thành công
Gọi là thủ công chứ thực ra cũng chỉ cần bấm vài nút là xong rồi. Hơn nữa, DirectAdmin nén file tốt hơn hẳn so với UpdraftPlus và Duplicator. Như bạn thấy đấy, file backup của mình dung lượng chưa đến 25Mb (DirectAdmin), trong khi con số này là hơn 50Mb (Duplicator) và hơn 60Mb (UpdraftPlus). Đối với những host dung lượng bị hạn chế thì DirectAdmin đúng là chân lý cuộc đời. Cá nhân mình thấy tần suất backup 1-3 lần/tuần là ổn. Nếu bạn viết lách nhiều thì sau khi đăng xong một bài, cứ vào DirectAdmin bấm một cái cho yên tâm.
Thế là từ giờ mình có thể kê cao gối mà ngủ, không cần lăn tăn vụ backup nữa rồi, yeahhhhhh! 🥳