Ở bài trước, mình đã so sánh 3 OS thông dụng nhất để cài cho VPS miễn phí được cung cấp bởi Oracle. Nếu bạn đã chọn được cấu hình phù hợp với nhu cầu, đã tạo được VPS (hay Instance – theo như cách gọi của Oracle) thành công, công việc tiếp theo sẽ là kết nối với VPS đó và tạo thêm tài khoản sudo.
VPS Oracle mặc định sử dụng kết nối SSH. Cổng 22 cũng đã được mở sẵn. Bạn có thể sử dụng PuTTY hoặc KiTTY để kết nối với VPS vừa tạo. Mình thì dùng MobaXterm vì trình Termimal cực kỳ xịn xò của nó.
1. Kết nối với VPS
- Tạo một phiên (session) mới
- Chọn loại kết nối (Connection Type) là SSH
- Điền địa chỉ Public IP của VPS vào ô Host
- Điền ubuntu vào ô Username
- Port để mặc định là 22
- Trỏ đường dẫn đến file private key mà bạn đã lưu trước đó
Thế là xong rồi. Kết nối thôi!
Mỗi khi tạo mới một VPS, Oracle sẽ tự động tạo cho bạn 2 tài khoản sudo, là: ubuntu và opc. Tuy nhiên cả 2 tài khoản này đều không có mật khẩu. Bạn cần phải có private key để kết nối SSH thì mới truy cập được vào VPS của bạn. Mình đã hỏi nhân viên hỗ trợ của Oracle và được xác nhận điều này. Thành ra có những câu lệnh mà để thực hiện nó, hệ thống yêu cầu bạn phải nhập mật khẩu => nhiệm vụ bất khả thi ngay từ những bước đầu tiên rồi đúng không? Vậy giải pháp là gì?
Có người đề xuất chỉnh lại cấu hình để cho phép kết nối SSH bằng mật khẩu, không phải dùng đến private key nữa. Cách này khá tiện vì bạn không cần phải copy private key qua lại giữa các thiết bị của mình, nhưng tính bảo mật sẽ giảm đi rất nhiều. Mình thì chọn cách tạo thêm tài khoản sudo. Trong trường hợp hệ thống yêu cầu nhập mật khẩu mới thực hiện được một lệnh nào đó, mình sẽ chuyển từ tài khoản ubuntu (không có mật khẩu) sang tài khoản mới này (có mật khẩu) => vừa giải quyết được bài toán phía trên, vừa đảm bảo tính bảo mật cho VPS của mình. Ổn đúng không? 😉
2. Tạo thêm tài khoản sudo
Để tạo tài khoản mới với tên đăng nhập là winnie, tại Terminal mình nhập lệnh sau:sudo adduser winnie
Từ câu lệnh này trở về sau, bạn nhớ thay “winnie” bằng tên đăng nhập của bạn nha.
Hệ thống sẽ yêu cầu tạo mật khẩu, xác nhận mật khẩu và cung cấp thông tin cá nhân cho tài khoản mới này.
Đầu tiên, bạn hãy nhập mật khẩu cẩn thận, rồi nhấn Enter. Hoặc để tránh sai sót, bạn có thể gõ mật khẩu vào Notepad, rồi copy. Sau đó quay lại Terminal, paste bằng cách nhấn chuột phải rồi Enter. Hệ thống sẽ yêu cầu bạn xác nhận mật khẩu => lại nhấn chuột phải thêm phát nữa, rồi lại nhấn Enter. Nhanh gọn nhẹ! 💪
Lưu ý: Con trỏ chuột sẽ đứng yên không nhúc nhích, và mật khẩu bạn nhập vào cũng sẽ không hiển thị thành các dấu hoa thị (****) để bạn thấy đâu. Điều này rất là bình thường đối với hệ điều hành Ubuntu. Nhưng bạn nào quen dùng Windows giống mình thì ban đầu có thể sẽ hơi bị “Hoang mang” của Hồ Quỳnh Hương đấy. Mình biết, mình hiểu, mình thông cảm vì chính mình đã từng đi Google vụ này mà 😂
Sau khi xác nhận mật khẩu, nếu hệ thống hiển thị “password updated successfully” tức là ok rồi đấy. Bạn chỉ cần nhập Full Name thôi. Những dòng sau cứ nhấn Enter là được, vì không quan trọng đâu. Sau cùng nhấn y để xác nhận tất cả thông tin mà bạn vừa nhập đều chính xác nữa là xong.
Nhập lệnh sau để thêm tài khoản bạn vừa tạo vào nhóm sudo (sudo trên Ubuntu hiểu nôm na là admin trên Windows ý):sudo usermod -aG sudo winnie
Để kiểm tra tài khoản đã chắc chắn nằm trong nhóm sudo chưa, bạn hãy nhập lệnh sau:groups winnie
Và đây là kết quả mình nhận được, có nghĩa là tài khoản “winnie” này có quyền sudo. Done !!!winnie : winnie sudo
Từ giờ cứ khi nào hệ thống hỏi mật khẩu để cập nhật múi giờ, hay cài đặt phần mềm nào đặc biệt… bạn chỉ cần chuyển từ tài khoản ubuntu sang tài khoản này bằng lệnh:su - winnie
Siêu đơn giản luông! ✌️