Người ta bảo “Một điều nhịn là chín điều lành”, tôi không nghĩ như vậy.
Ngay từ bé, tính cách tôi đã quyết liệt, trái ngược hoàn toàn với ngoại hình của tôi. Tôi từng vọng tưởng có thể làm một trang anh hùng toàn thân đầy nghĩa khí, thấy điều bất bình sẵn sàng ra tay tương trợ, bảo vệ công lý, chiến đấu vì những gì mà tôi cho là đúng đắn. Nghe ấu trĩ lắm đúng không? Tôi biết. Nhưng trẻ con mà, có ai đánh thuế giấc mơ đâu, cho dù đấy là những mơ mộng viển vông phi thực tế nhất.
Lớn thêm một chút, bước chân vào đời, va vấp khiến tôi ngộ ra rằng: mình tôi cho là đúng chưa đủ, một khi người khác đã quả quyết đó là sai. Mặc cho tôi giải thích, mặc cho tôi chứng minh, mặc cho tôi kiên quyết đến cùng với chính kiến của mình, người ta vẫn không thừa nhận. Và sau đó tôi được gì? Không gì cả, ngoài tổn thương luôn là người bạn đồng hành trên suốt mọi nẻo đường. Để rồi bỗng đến một ngày kia, tôi phát hiện ra mình “học” được. Thì ra để tránh xung đột, cãi vã, tránh bản thân bị bất lợi, tránh bị người khác đả thương, đã có lúc tôi chọn “nhẫn” trong vô thức.
Vậy “nhẫn” là gì? Là kiên nhẫn, nhẫn nhịn, nhẫn nại, thậm chí nhẫn nhục. Trong tiếng Trung, “nhẫn” 忍 được ghép bởi hai chữ: 刃 (Nhận) ở trên và 心 (Tâm) ở dưới. Không phải tự nhiên mà chữ “nhẫn” lại được thể hiện bởi hình tượng dao đâm vào tim. Phải, để “nhẫn” được cũng đau xót lắm chứ! Ừ thì biết là sai đấy, biết là vô lý đấy, nhưng nói ra có được gì không, tranh cãi rồi có được gì không, vậy thì tốn sức để làm gì trong khi phần thiệt hơn vẫn là mình gánh lấy? Để có thể bình thản trước mọi tình huống tiêu cực, để có thể đè nén được con người chính nghĩa trong tôi xuống, cũng cần có một lý trí lớn lắm chứ!
Và thế là tôi đã “nhẫn”, mặc cho sâu thẳm trong tim tôi gào thét đòi phải tranh đấu đến cùng. Nhưng rốt cuộc thì tôi cũng đã gạt phăng tất cả, đeo mặt nạ vào và ngoảnh mặt bước đi. Thì ra cũng có lúc tôi cũng đê hèn như vậy. Tôi vẫn nghĩ cuộc đời là một màn kịch, màn kịch đó sẽ trở thành bi kịch hay hài kịch là tùy thuộc vào trình độ diễn xuất của mỗi người. Tôi không để câu này trong dấu ngoặc vì đây là quan điểm của riêng tôi, chứ chẳng phải danh ngôn hay triết lý gì ở đây cả.
Để đạt được đến cảnh giới của chữ “nhẫn” này, tôi phải cảm ơn khá nhiều người vì nhờ có họ, tôi mới trở thành tôi của ngày hôm nay. À, mà tôi cũng không chắc là tôi có muốn cảm ơn họ không nữa. Không ngờ cũng có lúc tôi trở nên tầm thường như bao người, nhẫn nhịn để đổi lấy bình an. Vấn đề của tôi bây giờ không phải là “nhẫn” như thế nào, tôi đã nói là tôi luyện được tuyệt học võ công đấy rồi mà. Chỉ là tôi day dứt với chính bản thân mình, làm sao để “nhẫn” mà vẫn xoa dịu được cái tôi bên trong, khi mà sau mỗi lần tôi “nhẫn”, nó lại càng dày vò tôi lần sau mãnh liệt hơn lần trước?
Vẫn biết các cụ xưa đã dạy “Một điều nhịn – Chín điều lành”, thậm chí điều này đã ăn sâu vào máu người Việt, nhưng tôi vẫn không nghĩ như vậy. Gần đây tôi nghe được biến thể của nó “Một điều nhịn là chín điều… nhục”, và bất giác tôi nhận ra: Hình như… có đôi lúc… tôi – nhìn – thấy – mình – trong – đó !!!
1 bình luận
quá tuyệt vời. một chữ nhẫn bằng chục chữ nhục ?